Khi nào nên tập cho trẻ ăn cơm?
Ở giai đoạn từ 24 đến 36 tháng tuổi, trẻ đã mọc đủ răng sữa. Bé sẽ chóng chán và gặp nhiều khó khăn trong vấn đề nhai thức ăn thô nếu bạn ép bé ăn cháo nhiều, làm ảnh hưởng xấu đến việc ăn uống sau này. Ngoài ra, năng lượng trẻ tiêu hao ở độ tuổi này nhiều hơn do sức vận động và nhu cầu vui chơi, học hỏi tăng lên. Nếu bạn chỉ cho bé ăn cháo và uống sữa thì nhu cầu dinh dưỡng cho bé khó được đáp ứng.
Tập cho bé ăn cơm đúng cách cực kì quan trọng. Ăn cơm đúng cách giúp bé luyện răng, luyện cơ nhai và giúp phát triển hoàn thiện hệ tiêu hóa của trẻ. Nếu bạn cho con ăn cơm muộn có thể làm bé biếng ăn, chán ăn, dẫn tới gầy yếu, suy dinh dưỡng. Cơ nhai của bé cũng không phát triển nếu bé chỉ nuốt cháo.
Để tập ăn cơm cho con, các bà mẹ cần phải kiên nhẫn và có phương pháp. Trước hết, mẹ vẫn nên duy trì cháo và không nên thay cháo bằng cơm toàn bộ một cách đột ngột. Những ngày đầu, bạn có thể cho bé ăn 1-2 muỗng cơm, còn lại sẽ ăn cháo.Sau đó, mẹ tăng lượng cơm lên dần dần và giảm cháo đi.
Bạn cần có một thực đơn phong phú và những bộ bát có hình con vật ngộ nghĩnh dễ thương bằng nhựa tốt dành cho bé để thu hút sự hứng thú cho bé trong việc ăn uống. Chọn loại muỗng vừa với miệng trẻ, không quá lớn cũng không quá nhỏ.
Bạn có thể để cho bé tự xúc ăn vì bé rất thích được tự lập. Bạn chỉ cần ngồi cạnh con để khen, động viên và hướng dẫn cho bé cách ăn lịch sự và gọn gàng.
Khi bé không thích ăn, thì bạn không nên ép bé. bạn cần kiên trì dỗ trẻ ăn một ít cơm trước rồi mới cho trẻ ăn món trẻ thích sau và kể cho con nghe những câu chuyện thú vị, hài hước, để duy trì thói quen ăn cơm.
Dinh dưỡng cho trẻ tập ăn cơm
Để đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng cần cung cấp cho bé, bữa ăn của trẻ mới tập ăn cơm phải đầy đủ bốn nhóm dinh dưỡng chính: chất bột đường; chất đạm; chất béo; rau củ, trái cây tươi. Thường xuyên thay đổi thức ăn cho trẻ theo bữa ăn, theo ngày, theo mùa.
Với bé mới tập ăn cơm, bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm mềm và dễ tiêu, cách thức chế biến, đẹp mắt, ngon miệng. Một ít cơm nát sẽ khá phù hợp cho bé mới bắt đầu tập ăn cơm. Vì vậy , khi nấu cơm, bạn có thể để hơi nghiêng nồi cơm về một phía để cho một góc cơm hơi nát. Mỗi bữa ăn của bé nên có ít nhất 2 món: 1 món canh và 1 món mặn hay xào, thức ăn được nấu chín kỹ, mềm và xắt miếng nhỏ để trẻ nhai được.
Khi chế biến thức ăn cho trẻ, các mẹ cần giấu thịt vào với những món ăn mà trẻ thích nếu không thích ăn thịt. Chế biến món ăn lạ mắt cũng là một cách để hấp dẫn, kích thích trẻ ăn nhiều.