5 lỗi giao tiếp không nên có để tránh những cãi vã không đâu mà các vợ chồng trẻ thường mắc phải.
Thiếu rõ ràng
“Anh ơi tuần sau ăn cưới bạn em!” Đó là tất cả những thông tin (đầy đủ theo cách hiểu của vợ) mà chồng nhận được. Ờ thì ăn cưới bạn em – nhưng bạn em là bạn nào; ờ thì tuần sau – nhưng là thứ mấy, mấy giờ, ở đâu. Còn cả đống thông tin đằng sau cái vụ “ăn cưới bạn em” mà vợ cứ hồn nhiên bỏ sót. Nếu có anh chồng nào lỡ miệng hỏi lại (chỉ với mục đích bổ sung thông tin) “Ờ, ăn cưới à!? Ai thế?” “Hoa nào em nhỉ?” thì sẽ được trả lời bằng một huyện các câu trách móc, “Sao anh vô tâm đến thế. Bạn thân hồi cấp III của vợ mà không nhớ,” “Anh thì chỉ biết có mấy ông bạn rượu bia nhậu nhẹt thôi?”
Các cô vợ trẻ hay tưởng (bở) rằng chồng hiểu họ đến mức có thể đọc được cả những điều họ không nói ra. Mất gì mà không thông tin một cách đầy đủ, vừa tránh cho mấy ông chồng vô tâm khỏi cái cảm giác bị áp đặt về thời gian (tuần sau đâu phải có mỗi chuyện đám cưới bạn em đâu!), vừa tiện cho chàng chuẩn bị kế hoạch.
Không phải lúc
Khi chàng đang dán mắt vào màn hình xem Chelsy thi đấu thì nàng lại rỉ rả: “Anh ơi, cái Hà đang giận mẹ chồng đấy. Khuyên nó thế nào bây giờ nhỉ?” Bắt đàn ông nghe một câu chuyện trời ơi như vậy lúc họ đang xem bóng đá là điều không tưởng. Hơn nữa, đàn ông không có khả năng làm cùng lúc nhiều việc thuộc về trí óc. Nên nhớ khi đang xem tivi thì về cơ bản não của ông xã bạn đã đóng băng lại trước mọi kích thích khác, do đó cái mà cô vợ trẻ nhận được sẽ chẳng có gì hơn ngoài những cái cau mày, vài lời càu nhàu.
Kết quả của việc chọn sai thời điểm này sẽ là người bị làm phiền thấy khó chịu còn người đề xướng câu chuyện cảm thấy bị coi thường. Tốt nhất trước khi bắt đầu một câu chuyện với chồng, hãy để ý xem “người ta” đang làm gì, chẳng dại gì nhân lúc chồng đang đọc báo hay sửa cái điện thoại mà bàn chuyện mua gì biếu ông bà ngoại Tết này. Còn nếu khi anh ấy lái xe hoặc giúp vợ nấu nướng thì tha hồ mà “hỏi ý kiến.”
Khéo léo… thừa
“Em biết là anh không như vậy, nhưng …” tưởng như là một câu mở đầu tốt đẹp và êm ái cho một cuộc hội thoại nhưng thực chất nó lại khiến cho chàng có cảm giác đang bị vợ lôi ra… chất vấn. Thực ra khi nói vậy, chị em nghĩ mình cẩn thận, rào trước đón sau để đưa ra một vấn đề (đôi khi rất cỏn con.) Tuy nhiên đàn ông (do bản tính chẳng thích vòng vo tam quốc, lại hay bảo thủ) thì xem đây như một tín hiệu cần đề phòng và có xu hướng phản kháng lại bất kỳ yêu cầu hoặc nhận xét nào. Dưới con mắt cảnh giác của họ, một thành ý, một yêu cầu lịch sự rất dễ bị “ngờ vực” rằng mình chắc chắn có lỗi gì đây nên vợ mới ý tứ nhắc nhở.
Khéo mở đầu một câu chuyện để chàng có thể thoải mái là cả một nghệ thuật. Và đôi khi, cái câu nói khéo của vợ nó khá là giản dị. Chẳng hạn thay vì nói “Chuyện này có thể làm anh hơi mất thời gian, nhưng cuối tuần này anh đi cùng em đến mừng thượng thọ bà thì tốt quá!”, hãy nói giản dị “Cuối tuần mình cùng về thăm ngoại nghe anh. Nhà mình sẽ làm cơm mừng thượng thọ cụ đấy.”
Kể chuyện độc thoại
“Anh ơi Chủ nhật trước em gặp vợ chồng nhà Lan…” Và cô vợ trẻ thao thao mọi câu chuyện liên quan đến vợ chồng cô bạn, (từ chuyện con nó đẻ mấy cân đến chuyện bọn nó mua được cổ phiếu Habubank với giá ưu đãi chưa tới 50), để rồi giữa chừng phát hiện ra chồng đang tiếp chuyện mình bằng đôi mắt đã díp lại. Vậy là dỗi, là trách “Anh không quan tâm tới em, nói chuyện với nhau đầu óc anh để đi đâu, nghĩ tới con nào.”
Thực tế không phải vậy, cơ chế tâm lý sinh học khiến đàn ông chỉ có khả năng tập trung nghe những chuyện lặt vặt trong vòng ba phút. Khi chuyện kéo dài lâu hơn, anh ta sẽ ù tai, sẽ “điếc.” Bởi vậy, thay vì cáu giận chàng không phụ họa với mình, hãy tìm cách khiến cho câu chuyện của bạn hấp dẫn hơn. Đừng độc thoại với điệp khúc “Anh ơi, vợ chồng con Lan nó …” mà hãy sử dụng điểm nghỉ thông minh bằng đặt các câu hỏi để chàng không có cảm giác bị động, để chàng cũng xuất hiện trong câu chuyện của mình. Và thậm chí nếu việc đặt câu hỏi chưa có hiệu quả lắm thì việc đụng chân đụng tay cũng là một cách hữu hiệu để kết nối và khiến chàng quan tâm tới câu chuyện của bạn hơn.
Thật thà quá
Hiển nhiên chẳng vợ nào muốn nghe chồng chê chiếc váy NEM mình vừa mua với giá gần nửa tháng lương trông… thô quá. Cũng vậy, chẳng có chồng nào muốn nghe vợ mình thủ thỉ rằng ngày xưa em có hàng chục người theo đuổi. Các cặp vợ chồng đã sai lầm khi nghĩ rằng họ phải chia sẻ với nhau mọi thứ, không giữ chút bí mật nào cả. Thực tế cho thấy có rất nhiều cuộc cãi vã của các vợ chồng thường bắt đầu chỉ bằng những câu như: “Em mặc chiếc váy này trông béo nhỉ?” Hay “Ngày xưa anh T. theo em mãi”. Những việc tào lao này nếu đem ra mổ xẻ có thể dẫn đến kết cục chẳng ra làm sao cả. Hãy nghĩ tới niềm vui của cả hai và nhắc mình tránh điều mà cả hai đều chẳng lấy gì làm thích thú. Nên nhớ rằng một lời nói dối vô hại luôn tốt hơn một sự thật mất lòng.