Bệnh trĩ ở trẻ em là một căn bệnh khá phổ biến. Bệnh xảy ra do tình trạng gia tăng áp lực lên thành tĩnh mạch hậu môn khiến các tĩnh mạch căng phồng quá mức. Từ đó, các búi trĩ hình thành. Kèm theo dấu hiệu này là các triệu chứng đau rát hậu môn, đi ngoài ra máu, đại tiện khó.
Nguyên nhân bệnh trĩ ở trẻ em
Bệnh trĩ ở trẻ em xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu do thói quen sinh hoạt không khoa học. Những nguyên nhân chính gây ra bệnh trĩ ở trẻ em được xác định như sau:
- Cơ hậu môn của trẻ còn yếu, sự liên kết giữa các cơ, dây chằng của trực tràng và hậu môn còn lỏng lẽo. Đồng thời, xương cùng và trực tràng nằm trên một đường thẳng vì vậy trực tràng dễ di chuyển lên phía trên gây ra bệnh trĩ.
- Do trẻ đi vệ sinh quá lâu. Việc cho trẻ ngồi bô quá lâu có thể gây ra áp lực lên thành mạch hậu môn. Hơn nữa, cơ hậu môn chưa thể tự động co lại nhiều vì vậy trực tràng dễ bị rơi xuống và khó có thể quay lại vị trí ban đầu. Điều này gây nên hiện tượng trẻ mắc bệnh trĩ.
- Trường hợp trẻ bị táo bón cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh trĩ. Việc trẻ dùng sức của mình để rặn phân ra ngoài sẽ hình thành các búi trĩ.
[lo_irp post=’105244′]
Dấu hiệu nhận biết
Khi bạn thấy trẻ có những biểu hiện sau đây, bạn có thể nghi ngờ khả năng trẻ mắc bệnh trĩ cao. Lúc này, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.
- Trẻ đại tiện khó, dùng nhiều sức để rặn, khóc và khó chịu do đau khi đi vệ sinh.
- Đi ngoài ra máu: hiện tượng này xảy ra thường kèm theo chứng táo bón ở trẻ. Do khối phân của bé cứng nên bé phải gắng sức để đẩy phân ra ngoài. Điều này làm trầy xước niêm mạc hậu môn, dẫn đến chảy máu. Máu chảy theo dạng nhỏ giọt nhưng đôi khi có thể bắn thành tia nếu niêm mạc ống hậu môn bị tổn thương nặng.
- Có búi trĩ sa ra ngoài ống hậu môn: lúc này bệnh trĩ đã bước vào giai đoạn phát triển. Lúc đầu, bé chỉ bị sa búi trĩ sau khi đi đại tiện và có thể tự co lại được. Thế nhưng càng về sau, búi trĩ càng sưng to và hiện ra bên ngoài nhiều hơn. Trường hợp này, bạn phải dùng tay mới đẩy lên được.
Cách điều trị
Việc điều trị bệnh trĩ ở trẻ cần dựa trên mức độ nặng nhẹ của bệnh. Vì trẻ nhỏ có tốc độ lành vết thương nhanh nên đa số các trường hợp, bạn cần chăm sóc trẻ đúng cách qua các thói quen sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Bạn nên thường xuyên cho bé ăn các loại rau củ, hoa quả tươi ngon và mật ong để tránh tình trạng táo bón.
- Tránh để trẻ đi vệ sinh quá lâu hoặc ngồi quá lâu một chỗ
- Hình thành thói quen đại tiện đúng giờ, tốt nhất nên đại tiện 1 ngày/ lần.
- Vệ sinh hậu môn cho trẻ đúng cách nhằm tránh tình trạng nhiễm khuẩn. Bạn nên rửa nước ấm sau khi bé đại tiện và trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng thuốc xông hơi bên ngoài hoặc rửa hậu môn bằng các thảo dược (rau diếp cá, kinh giới, tía tô, lộc vừng) theo chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này giúp cải thiện quá trình tuần hoàn máu ở cửa hậu môn.
- Trường hợp nặng hơn, bạn có thể cho trẻ dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.