Dị ứng ảnh hưởng cả về tinh thần lẫn thể chất non nớt của trẻ. Nhiều bà mẹ rất lo lắng về vấn đề này đến nỗi cho con kiêng ăn nhiều loại thức ăn. Việc kiêng cữ làm hạn chế dưỡng chất cần thiết cho bé có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Như vậy, cần phải có biện pháp thích hợp để phòng dị ứng cho con.
Cái nhìn tổng quan về dị ứng thức ăn
Dị ứng thức ăn là do hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng không bình thường với thức ăn.
Hệ miễn dịch và đường ruột của trẻ em còn non yếu. Tính thấm của niêm mạc đường tiêu hóa cao. Nếu tiếp xúc với thức ăn có tính dị nguyên cao thì dễ phát triển thành dị ứng.
(Thức ăn có tính dị nguyên là thức ăn có khả năng kích thích cơ thể sinh ra kháng thể và kết hợp với kháng thể đó sinh ra tình trạng dị ứng)
Thông thường, dị ứng thức ăn gây nên ban đỏ, mề đay, chàm, đau bụng và rối loạn tiêu hóa. Nặng hơn, có thể gây kịch phát cơn hen phế quản hoặc sốc phản vệ, nguy cơ tử vong rất cao.
Trẻ em dưới 1 tuổi đến khi trẻ bắt đầu ăn dặm thường là những đối tượng dễ bị dị ứng nhất. Hiện nay tỷ lệ dị ứng ngày càng gia tăng trên thế giới. Đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Dựa vào tiền sử bệnh dị ứng của bố mẹ, có thể xác định được nguy cơ dị ứng của trẻ ngay khi còn nằm trong bụng mẹ. Nếu cả bố mẹ cùng mắc các bệnh dị ứng thì 50-80% con có nguy cơ mắc phải.
Thực phẩm nào dễ gây ra dị ứng?
Tôm, cá, sữa bò, trứng, lạc, đậu nành là những thực phẩm dễ gây dị ứng. Người lớn thường bị dị ứng với tôm, cá. Trẻ em phần nhiều là dị ứng với sữa bò, trứng và đậu nành.
Nếu pha thêm sữa bột cho bé đang bú mẹ, bé có thể dị ứng với các thành phần của sữa.
Có đến 80% trẻ bị dị ứng biểu hiện ở da. 20% có các triệu chứng dị ứng ở đường hô hấp. 20 % biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Các triệu chứng khác chiếm vài phần trăm.
Dị ứng thức ăn nếu không được xử lý tốt có thể dẫn đến những hệ lụy khó có thể khắc phục được.
Thế nào là biểu hiện nguy hiểm của dị ứng thức ăn?
Biểu hiện của dị ứng thức ăn khá nhanh. Chỉ từ vài phút đến khoảng 2 giờ sau khi ăn thực phẩm có chứa các dị nguyên.
Dấu hiệu nhân biết:
Ở mức độ nhẹ: Trẻ có biểu hiện sưng môi, ngứa miệng lưỡi, ngứa hầu họng.
Ở mức độ vừa: Trẻ bị ngứa khắp mình mẩy. Nổi nốt đỏ kích thước lấm tấm hoặc có thể nổi thành những ban đỏ kích thước lớn. Mắt có thể sưng đỏ. Chảy nhiều nước mắt.
Ở mức độ nặng: Trẻ có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, khó thở và sốc dị ứng. Nếu không xử lý kịp thời, có thể dẫn tới tử vong.
Phòng dị ứng thức ăn cho trẻ như thế nào?
Dị ứng được hiểu nôm na là khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, chất lạ.
Dị nguyên đối với trẻ sơ sinh chính là sữa, thức ăn. Đối với trẻ đang bú mẹ, dị nguyên chính là sữa bò, sữa công thức.
Do đó, nguyên tắc giảm dị ứng cho trẻ chính là: chậm tiếp xúc với dị nguyên trong vài tháng đầu đời.
Sữa mẹ không được xem là dị nguyên. Giai đoạn này, hầu hết dị nguyên từ công thức dinh dưỡng sữa bò.Trẻ bú sữa công thức dinh dưỡng sẽ nhận nhiều kháng nguyên lạ gấp 106 lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn.
Bà mẹ cho con bú nên hạn chế thực phẩm có thể gây dị ứng nhằm làm an toàn hoá sữa mẹ. Sữa mẹ có vai trò quan trọng trong phòng ngừa dị ứng. Bé bú mẹ hoàn toàn 4 tháng cho đến 6 tháng có thể giúp giảm nguy cơ dị ứng về sau.
Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá cả trước và sau khi sinh.
Đối với trẻ không được bú sữa mẹ, nên cho trẻ uống sữa thủy phân đến 4 tháng tuổi. “Sữa thuỷ phân một phần” (được đánh dấu trên hộp là H.A) chứa các chất đạm đã được bẻ nhỏ để dễ tiêu hoá nên sẽ giảm đe doạ sự đề kháng của bé.
Nếu kiêng ăn để tránh dị ứng cho bé, nên bổ sung bù dưỡng chất từ nguồn thực phẩm khác.