Những tác động của các hormone thai kỳ lên các mô liên kết khiến cơ thể thai phụ chịu những cơn đau nhức. Các cơ và dây chằng của người mẹ giai đoạn thai nhi 25 tuần tuổi này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Thai nhi 25 tuần tuổi sẽ hình thành và phát triển như thế nào?
Đến thời điểm thai 25 tuần bé có chiều dài từ đầu đến gót chân khoảng 35 cm, cân nặng 750g. Bé sẽ duỗi người ra nhiều hơn thay vì co người như lúc trước. Em bé đang lớn nhanh và trở nên đầy đặn hơn nhờ lớp mỡ đang hình thành dưới da.
[lo_irp post=’101891′]
Thai nhi 25 tuần tuổi với mạng lưới các dây thần kinh trong tai phát triển tốt hơn. Bé trở nên nhạy cảm hơn so với trước đây. Mắt bé cũng có sự thay đổi lớn trong tuần này. Võng mạc bé dần hoàn thiện hơn. Điều này rất quan trọng trong việc giúp bé nhìn được mọi thứ rõ ràng.
Lúc này, bé hít vào và thở ra một lượng ối của mình. Đây là một cách luyện tập để bé có thể hít thở ngay khi chào đời. Tuy nhiên, tất cả không khí cung cấp cho bé thời điểm này vẫn phải thông qua nhau thai.
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Sự phát triển mạnh mẽ của thai nhi gây ảnh hưởng đến phần lưng dưới của người mẹ. Tử cung ngày càng lớn hơn thay đổi trọng tâm cơ thể, kéo giãn và làm cơ bụng trở nên yếu đi. Đồng thời, trọng lượng thai phụ tăng lên khiến các cơ bắp làm việc nhiều hơn gây áp lực lên các khớp xương. Đó là nguyên nhân gây mệt mỏi hơn vào khoảng thời gian cuối ngày.
Các sợi collagen ở lớp giữa da đang duỗi ra dẫn đến tình trạng ngứa ở bụng. Bạn có thể giảm cảm giác ngứa ngáy khó chịu ngày bằng cách thoa kem dưỡng ẩm sau khi tắm. Tuyệt đối bạn không nên tắm bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh.
Ở tuần thai thứ 25, bạn bắt đầu cảm thấy khó ngủ hơn. Bạn thường mệt khi lên giường, thế nhưng lại rất khó ngủ. Bạn nên rút ngắn thời gian ngủ vào ban ngày để góp phần hình thành giấc ngủ sâu vào ban đêm.
Hội chứng tiền sản giật
Vào thời gian thai nhi 25 tuần tuổi mẹ cần lưu ý về các triệu chứng tiền sản giật. Đó là những biểu hiện đặc trưng của huyết áp cao, nồng độ protein cao trong nước tiểu. Bạn hãy đi gặp bác sĩ ngay nếu gặp những trường hợp sau:
- Sưng mặt, sưng quanh mắt, quanh bàn tay, bàn chân và mắt cá chân.
- Tăng cân nhanh chóng, hơn 2kg trong 1 tuần
- Đau đầu nặng hoặc kéo dài
- Thay đổi thị lực, nhạy cảm với ánh sáng hoặc mất thị lực tạm thời
- Đau hoặc sưng dữ dội ở vùng bụng trên hoặc nôn mửa.
Lời khuyên dành cho bà bầu mang thai 25 tuần.
Mẹ nên tham gia các lớp học tiền sản để chuẩn bị kỹ càng cho việc sinh nở. Đồng thời duy trì các thói quen sinh hoạt: đi làm, tập thể dục, nội trợ, nghỉ ngơi… Đồng thời, thai phụ cũng nên ăn đủ các chất dinh dưỡng dành cho bà bầu và đảm bảo vệ sinh cá nhân.
Khoảng thời gian thai nhi 25 tuần tuổi bạn có thể cảm thấy khó thở, tức ngực. Thế nên thi thoảng bạn hãy hít thở thật sâu. Tránh trường hợp ngồi thõng người xuống mà hãy để ý đến tư thế của mình nhiều hơn. Bởi vì phổi của bạn cần có không gian để làm việc và cung cấp oxy cho cả hai.
Trường hợp mất ngủ, bạn nên ngồi dậy một lúc. Bạn có thể đọc sách, uống một cốc sữa hay ngâm chân vào nước ấm. Nước ấm sẽ giúp thần kinh thư giãn và có thể đưa bạn vào giấc ngủ dễ dàng hơn.