Luận thêm một chút về Tế nhị

Theo định nghĩa thông thường, Tế nhị là sự khéo léo, tinh tế, nhã nhặn trong đối xử. Nhưng cụ thể nó bao gồm những gì nhiều khi không để ý, nhân một lần “tẽn tò” trước một tý hon mình mới hình dung lại cái từ này.

Người dạy mình tế nhị là một em bé 5 tuổi, khi tắm cho em mình hay đùa vui vừa hít hà vừa chê em hôi xì, chua loét. Em không nói gì mặt em hơi buồn, mãi em mới lí nhí “bác G thiếu tế nhị”, mình vặn lại: tế nhị là gì, bé rất dõng dạc: đừng nói gì để người khác buồn, dù là mình rất vui! Chắc là nghe nó từ người lớn.

Chính vì bé động đến phần sâu xa nhất của tâm hồn mà mình tìm tòi và hiểu thêm về sự tế nhị: Có thể còn nhiều nếu đi sâu tìm hiểu, riêng mình chỉ nhặt được có vậy, nói ra là để trao đổi với mọi người cho vui, không có ý gì khác kẻo chính mình lại thiếu tế nhị.

Tế nhị là biết chọn những lời mình nói, để không làm buồn lòng người khác, không chê bai mỉa mai hay phán xét, không làm người khác thấy họ nhỏ bé, hèn yếu, kém cỏi. Tế nhị là biết quan tâm đến cảm xúc của người khác và của chính mình, khi giao tiếp với ai, dù nhỏ hơn mình, cũng cẩn trọng. Một lời nói một cử chỉ có thể là một mũi dao sát thương, nên không bao giờ dùng lời “gươm giáo” đối đãi với con người.

Tế nhị là không khoe khoang. Không làm cho người khác ý thức về sự thua kém của họ. Tế nhị là biết quan sát để học hỏi. Nhìn xem chị, anh, em, bà con cô bác có gì hay để học theo. Biết khen ngợi, biết động viên, biết nhận ra sự tử tế của người khác cũng là tế nhị.

Tế nhị là không nói nhiều. Khi nói gì, nói vừa đủ thôi, đừng cướp lời đừng điệu đà, mất thời gian của người khác, không nói liên hồi, nhớ lắng nghe, nhớ xem mình nói ra điều này có cần thiết không? Biết nói ra lời vui vẻ êm ái hạnh phúc, biết cất đi những lời thô vụng thừa thãi, chính là người tế nhị.

Tế nhị là không làm phiền! Không đường đột alo cho ai mà lý do không chính đáng. Không nhờ vả không hỏi thông tin (mà có thể tra cứu google), không vay mượn nếu không thật sự cấp bách, không bắt người khác phải chờ đợi.

Kém tế nhị, là không ngại nhắn tin phàn nàn khi tức giận. Tuôn ra lời lẽ khó nghe, để lại bao dấu vết xấu xí trong một mối quan hệ. Kém tế nhị vì không dám đối diện trò chuyện bình tĩnh, cứ nhắn tin một chiều, kệ, bên kia hiểu sao thì hiểu. Người kém tế nhị, kém nhạy cảm về cảm xúc, thích thì họ gọi điện thoại bất cứ lúc nào, không biết rằng người khác rất bận hoặc rất cần yên tĩnh, không tiện nghe điện thoại, không thích dài dòng, có chuyện gì gấp lắm khó lắm hoặc thân lắm mới nên gọi điện thôi.

Tế nhị là không bao giờ đàn áp nặng lời, hay dồn ai vào thế khó xử, luôn nghĩ hộ cho người khác, biết đỡ lời, biết nói đùa một câu vui vẻ khi căng thẳng. Khi bất đồng ý kiến với người mình thương, chả cần thắng thua, chả cần vạch mặt trắng đen mà làm gì. Tế nhị cũng là biết chấp nhận sự thật không cố chấp không tham lam. Ai đã từng yêu mình giờ hết yêu, thôi mình cũng đừng vặn vẹo chất vấn làm rõ ngô khoai cho hả dạ. Tế nhị là khen, chê cũng khéo léo, góp ý cũng khéo léo, từ chối người khác cũng làm họ nể phục, vui lòng. Tế nhị chính là biết thế nào là riêng tư, kín đáo, biết lúc nào nên nói gì, với ai phải làm gì cho khéo cho hay, người tế nhị chả bao giờ hở hang cho cả làng xem.

Tế nhị là biết tránh những cãi cọ phiền hà, biết nhường, biết thua, biết nhận lỗi, biết cảm ơn chân thành. Không cố cãi hay hơn thua nhau. Không khăng khăng cho là mình đúng. Không bảo thủ, không gân cổ lên, không nói lời cuối cùng. Tế nhị, còn thu hút hơn cả trí tuệ. Quyến rũ hơn cả sắc đẹp. Thông minh xinh đẹp mà kém tế nhị, thì sẽ mắc bệnh ngạo mạn, kênh kiệu khó ưa.

Người kém tế nhị chính là người vô duyên. Họ thiếu nhạy cảm, họ ít nói đúng lúc, làm đúng chỗ. Đừng mất công giảng giải cho họ điều gì về sự tế nhị, họ chả coi trọng đâu. Họ sẽ rất hạnh phúc khi chung sống với người giống họ.

Tế nhị là đức tính quý báu. Ít người có lắm đấy… không phải do xuất thân, do thành phần, mà do tu luyện, mà người ta tiến hoá, tự điều chỉnh, tự sửa đổi mình thành người tế nhị cũng đồng nghĩa với người có văn hóa! Xã hội càng văn minh con người đối xử với nhau càng cần có văn hóa và ngược lại đối xử với nhau có văn hóa mới thành xã hội văn minh.

Facebook
Twitter
LinkedIn