5 điều nên làm nếu sếp làm sai

Bên cạnh đó, bạn không nên tỏ vẻ là người biết mọi thứ và đừng khiến cấp trên cảm thấy xấu hổ, vì vậy bạn cần phải cẩn thận. Một số nhà quản lý đánh giá cao nhân viên biết đặt câu hỏi cho các quyết định của họ vì họ không thể biết tất cả các câu trả lời. Nhưng cũng có nhiều nhà quản lý ít cởi mở hơn với các phản hồi. Dưới đây là 5 điều bạn nên làm để góp ý nếu sếp làm sai, hãy cùng tham khảo nhé.

Đánh giá kỹ tình hình

Trước khi đóng góp ý kiến với sếp, hãy tự hỏi mình “Việc này có quan trọng để đưa ra ý kiến hay không?”. Nếu sếp của bạn đang trích dẫn sai bộ phim yêu thích của bạn hoặc nhầm lẫn các chi tiết nhỏ về cách điều gì đó đã xảy ra, có lẽ không đáng để bạn “sửa sai” sếp. Nhưng nếu sai lầm của họ gây tốn kém cho công ty hoặc khiến họ trông thiếu chuyên nghiệp trong một cuộc họp quan trọng, có lẽ bạn nên để họ biết.

Bên cạnh đó, hãy đảm bảo rằng bạn hiểu đúng 200% vì sao sếp sai. Rất có thể có những khúc mắc, những mặt trái của vấn đề mà bạn chưa nhìn thấy được. Đừng để sau khi gặp sếp, mở cửa phòng bước ra bạn mang tâm trạng của người thất bại, mình mới là kẻ sai lầm, cảm thấy mình đã lo chuyện bao đồng, tốn công vô ít.

Đừng đóng góp ý kiến trước mặt người khác

Hãy suy nghĩ thật kỹ về thời điểm và cách bạn muốn nói với sếp rằng họ đã phạm sai lầm hoặc sai về điều gì đó. Nếu có thể, hãy nói chuyện riêng với sếp của bạn, tuyệt đối không góp ý với sếp khi có mặt người thứ ba, như vậy bạn sẽ không làm họ xấu hổ trước mặt người khác. Dù văn hóa công ty của bạn như thế nào thì việc sửa sai sếp của bạn trước mặt khách hàng hoặc các đồng nghiệp khác có lẽ là hành động tồi tệ nhất, bởi vì sếp của bạn có nhiều nguy cơ sẽ mất uy tín và họ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Do đó, Hãy lựa chọn thời điểm thật thích hợp, không quá sớm, không quá muộn và chọn lúc tâm trạng của sếp ổn định nhất để có thể dễ dàng cởi mở với những vấn đề bạn trình bày.

Đưa ra các đề xuất thay vì lời khẳng định

Khéo léo sửa sai sếp bằng một ý kiến hoặc gợi ý. Hãy thử một điều gì đó chẳng hạn như “Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một cách tốt hơn để xử lý vấn đề…”. Khi bạn không thể hiện ý định “tấn công” họ bằng cách nói “Anh/chị sai rồi”, thì bạn đang giúp họ dễ dàng tiếp thu và đồng ý với đề xuất của họ.

Đưa ra giải pháp hiệu quả

Không ai thích nghe rằng họ đã sai và càng tệ hơn khi dường như không có cách nào để giải quyết tình huống. Thay vì chỉ nêu ra lỗi, bạn hãy đưa ra một giải pháp đề xuất cách khắc phục hiệu quả.

Để tăng sức thuyết phục cho ý kiến của bạn, hãy chuẩn bị thật tốt những “chứng cứ” rõ ràng, khoa học, chi tiết nhất. Điều này giúp cho bạn có thêm tự tin khi đối diện với sếp. Hơn nữa còn cho sếp thấy bạn là người nghiêm túc và có trách nhiệm trong công việc.

Chân thành, thẳng thắn, rõ ràng, tự tin… những yếu tố không thể thiếu cho một cuộc nói chuyện thành công, nhất là trong tình huống nhạy cảm thế này. Hãy luôn giữ thái độ chân thành, thông cảm và tôn trọng sếp cũng như cho sếp thấy rõ thiện chí của bạn. Sau khi trình bày, hãy khéo léo hỏi ý kiến phản hồi của sếp một cách chân thành. Sếp cảm thấy được tôn trọng với tư cách là người quyết định nên cũng sẽ đáp lại bạn bằng sự cởi mở.

Đề xuất được thực hiện giải pháp

Cuối cùng, nếu sếp đã đồng tình với bạn và yêu cầu giúp đỡ từ bạn thì hãy nỗ lực hết sức để giúp sếp bằng chính khả năng của bạn. Nếu giúp sếp “sửa sai” thành công, bạn sẽ trở thành “công thần” là “cứu tinh” và dĩ nhiên niềm tin của sếp vào năng lực của bạn sẽ gia tăng đáng kể.

Thực hiện: Mai Hương

Facebook
Twitter
LinkedIn