Trẻ nhỏ thể chất yếu ớt, da dẻ mỏng manh nên ngay cả quần áo mặc hàng ngày cũng phải rất chú ý. Vậy hàng ngày bạn làm sạch quần áo bé thế nào? Nên bảo quản ra sao? Gia Đình Trẻ sẽ cùng bạn tham khảo những lưu ý dưới đây:
Đề phòng bệnh truyền nhiễm
Không nên giặt chung quần áo của bé với quần áo người lớn. Bởi người lớn có phạm vi môi trường hoạt động rộng. Vì thế vi khuẩn trên quần áo cũng đủ loại. Khi giặt chung vi khuẩn có thể truyền nhiễm sang quần áo của bé. Những loại vi khuẩn này có thể không nguy hại đối với người lớn nhưng lại khá nguy hiểm với làn da có độ dày chỉ bằng 1/10 da người lớn của bé. Hơn nữa bé còn nhỏ sức đề kháng kém nên chỉ cần hơi lơ là một chút có thể gây ra nguy hại cho làn da mẫn cảm của bé.
Dùng bột giặt chuyên dụng
Quần áo của bé phải được giặt với loại bột giặt chuyên dụng riêng. Như vậy mới có thể đảm bảo da dẻ bé luôn được bảo vệ tốt. Bạn cũng có thể sử dụng xà phòng thơm để giặt đồ cho bé. Loại này tốt và đảm bảo hơn những loại bột giặt thông thường khác. Tuy nhiên, nên sử dụng ở mức độ vừa phải. Dùng quá nhiều có thể khiến cho chất bẩn trong nước dính thêm vào quần áo.
Không sử dụng thuốc tẩy
Không dùng thuốc tẩy để làm trắng sạch quần áo của bé. Bởi thuốc tẩy sẽ gây kích ứng với làn da mỏng manh của bé. Thuốc tẩy sau khi đi vào cơ thể nhanh chóng kết hợp với protein khó có thể đào thải ra ngoài.
Giặt sạch triệt để
Giặt sạch vết bẩn chỉ mới hoàn thành 1/3 công đoạn giặt. Tiếp theo bạn phải dùng nước sạch giũ qua giũ lại hai đến ba lần đến khi nước trong thì thôi. Làm như vậy để tránh xà phòng vẫn còn dính trên quần áo có thể gây hại cho bé.
Quần áo dính nước hoa quả, socola nên giặt ngay
Nếu quần áo trẻ dính sữa, nước hoa quả, socola cần lập tức mang giặt ngay là biện pháp hiệu quả đảm bảo quần áo của bé luôn được mới như ban đầu. Nếu đợi 1, 2 ngày sau mới giặt vết bẩn đã ngấm sâu vào sợi vải khó mà giặt sạch được. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng nước soda ngâm một lúc rồi dùng tay vò mạnh cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Ánh nắng mặt trời là thuốc sát trùng tốt nhất
Ánh nắng mặt trời là loại thuốc sát trùng diệt khuẩn thiên nhiên không có tác dụng phụ lại rất kinh tế. Do đó quần áo của bé sau khi giặt sạch có thể đem phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
Cất quần áo vào tủ
Quần áo của bé cho dù mới mặc một lần cũng nên giặt sạch phơi khô rồi mới cất vào tủ. Không nên để chung quần áo sạch với quần áo đã mặc một lần. Trong tủ cũng nên phân chia rõ ràng nơi để quần áo lót và nơi để quần áo ngoài của bé. Tốt nhất nên dùng một cái túi sạch đựng quần áo lót để đảm bảo vệ sinh.
Không nên để quần áo của bé trong túi niêm phong kín. Bởi túi bịt kín chính là nguyên nhân gây ra nấm mốc. Quần áo cũng cần phải để nơi thoáng khí. Bạn có thể sử dụng túi vải để đựng quần áo của bé.
Chọn loại tủ nào?
Tủ gỗ thường thoáng khí, có thể đảm bảo quần áo luôn được khô ráo, thoáng gió. Nhưng loại tủ làm bằng gỗ nhân tạo có sử dụng lượng keo dán khá lớn dễ bị quần áo bông thấm hút có thể gây dị ứng cho bé. Vì vậy tủ quần áo của bé tốt nhất nên dùng loại gỗ thật, hàm lượng formaldehyde càng thấp càng tốt.
Phơi nắng
Đối với những bộ quần áo mấy tháng bé không mặc đến. Trước khi mặc bạn nên đem chúng ra phơi nắng để ánh nắng mặt trời xua tan ẩm ướt và vi khuẩn.
Không dùng thuốc chống côn trùng
Nhiều mẹ lo lắng những con côn trùng nhỏ sẽ cắn hỏng quần áo nên đặt vài viên thuốc chống côn trùng trong tủ quần áo của bé. Làm như vậy mặc dù an toàn cho quần áo nhưng lại không an toàn cho bé. Thành phần chủ yếu của các loại thuốc chống côn trùng chính là naphthol. Nó được quần áo hút và truyền vào da rồi thâm nhập vào đường máu phá hoại hồng cầu dẫn đến thiếu máu, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Do đó nên tránh xa các loại thuốc chống côn trùng này.
Giặt đồ len, nỉ cho bé cần lưu ý
Khi giặt quần áo bằng len cho bé, bạn không vắt, xoắn, để tránh co dãn, nên vò nhẹ sau đó xả sạch và đem phơi ở nơi có gió, thoáng khí. Không nên phơi ở chỗ nắng gắt đồ len dễ bạc màu. Tuyệt đối không dùng nước nóng vì sợi len sẽ bị co rút.
Quần áo len của bé dính bẩn, ố vàng, đừng vội giặt ngay mà hãy lấy vải mềm hoặc bông gòn nhúng vào nước lạnh có pha ít giấm ăn rồi lau nhẹ lên vết bẩn. Lặp lại động tác vài lần, vết bẩn, ố sẽ nhạt đi.
Đối với quần áo bằng nỉ khi bị dính các vết bẩn hoặc có mùi mốc, hôi, bạn nên dùng cồn nhỏ vào vết bẩn, dùng giấy thấm vết bẩn nhẹ nhàng. Thực hiện nhiều lần như thế quần áo sẽ sạch và không có mùi.